Trọn bộ Cẩm nang về Máy lọc không khí
Thực sự là rất tâm huyết với sp Máy lọc không khí. Thứ nhất vì tính hiệu quả, và thứ 2 là vì nó là một sản phẩm mà cá nhân mình cảm thấy yêu, có thể gắn bó lâu dài
Tự tay tháo lắp cũng đến 1000 cái đủ loại trong mấy năm qua. Sờ nắn mày mò từng chi tiết, linh kiện. Tốn bao chi phí để mua từng mẫu, từng hãng từ Ideal tầm 30tr/em, Hitachi 20tr/em cho đến Xiaomi 2-3tr/em... về để trải nghiệm rồi so sánh. Mọi người cứ bảo lờ lãi nhiều, nhưng nếu có điều kiện mời ACE ngó qua đống linh kiện và xác máy rồi phụ tùng để thấy chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển nó tốn ntn
Thôi bỏ qua tất cả nhưng tốn kém về tài chính. Cái được lớn nhất là kiến thức và kinh nghiệm. Nay xin đưa tất cả những tích luỹ đó chia sẻ cho các ACE, hy vọng giúp ACE có thể chọn được sản phẩm phù hợp
Bài viết khá dài, soạn theo phong cách của một bài phỏng vấn hỏi đáp và bổ ngang lẫn dọc toàn bộ kiến thức liên quan nên ACE rất dễ tìm thấy mối quan tâm của mình trong đó.
1. Máy lọc không khí là gì:
Là sản phẩm giúp chung ta lọc sạch không khí trong môi trường thông qua việc tạo 1 dòng đối lưu. Không khí sạch chạy qua máy sẽ bị giữ lại bụi mịn (PM2.5), khử khuẩn, cấp ẩm, bổ sung ion rồi trả lại môi trường
2. Công nghệ dùng để lọc bụi mịn:
Đa số các máy lọc không khí sử dụng công nghệ tạo ra chùm plasma ở tốc độ và nhiệt độ cao để phân hủy bụi, vi khuẩn sau đó dùng màng hepa lọc bụi trước khi trả không khí sạch ra môi trường. Bên cạnh đó, có một số hãng sử dụng các màng hepa chất lượng cao, thiết kế đặc biệt để lọc bụi mà không cần phóng chùm plasma
3. Các chức năng chính của MLKK:
- Lọc bụi mịn, phấn hoa, diệt một số vi khuẩn vi rút
- Bù ẩm
- Bổ sung ion âm
4. Tác dụng của từng chức năng trong quá trình sử dụng:
- Lọc bụi mịn, phấn hoa, diệt một số vi khuẩn vi rút: Lọc bụi siêu nhỏ để giảm thiểu nguy cơ hít vào phổi gây tổn thương đồng thời diệt vi khuẩn, nấm mốc và một số dạng virut
- Bù ẩm: Bổ sung thêm độ ẩm trong tiết trời hanh khô và đặc biệt là phòng điều hòa giúp giảm nguy cơ gây bệnh hô hấp
- Bổ sung ion âm: Tăng khả năng khử khuẩn, tạo sự trong mát cho không khí (mật độ ion càng cao thì không khí càng dễ chịu - ở thác nước hoặc trong rừng mật độ ion âm rất cao nhưng ở thành phố, công trường mật độ này khá thấp)
5. Có mấy dạng MLKK:
Có 3 dòng MLKK cơ bản gồm:
- Lọc không khí
- Lọc không khí có bù ẩm
- Lọc không khí có bù ẩm kèm theo tính năng khác (bổ sung ion hoặc hút ẩm)
Khuyến nghị: Nên dùng LKK bù ẩm kèm theo bổ sung ion, không nên dùng LKK bù ẩm kèm theo chức năng hút ẩm)
6. Cách kiểm tra hiệu quả của MLKK:
- Dùng máy đo hạt bụi (có thể dùng sp của Xiaomi hoặc Hàn Quốc)
- Cảm nhận thực tế sau khi dùng
- So sánh phòng được lọc và phòng không được lọc (trong cùng 1 không gian gia đình)
- Tháo nắp máy và quan sát tấm màng hepa
- Thử tắt máy và cảm nhận
7. Cách chọn máy phù hợp
- Chọn theo chức năng: Tùy điều kiện phòng mà chọn chỉ lọc khí hay có cả bù ẩm, bổ sung ion
- Chọn theo thương hiệu và tài chính: Theo thứ tự giá giảm dần của những mẫu cơ bản trên thị trường là Ideal – Hitachi – Coway – Daikin (Pana) – Sharp
- Chọn theo chủng loại: Máy mới 100% và máy Nhật 2nd
- Chọn theo thể tích phòng: Yêu cầu cơ bản là 1 giờ thì tất cả không khí trong phòng cần được đi qua MLKK tối thiểu 3 lần. Lấy thể tích *3 sẽ ra/60 (phút) = Công suất lọc không khí ghi trên tem của máy
8. Ưu nhược điểm giữa các dòng máy:
Mỗi sp đều có điểm yếu và mạnh khác nhau. Tuy nhiên, với các thương hiệu đã liệt kê ở trên thì sp nào cũng có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản là lọc bụi mịn và bù ẩm. Giá thành sp có sự sai khác thường là do độ bền, mức hiệu quả chuyên sâu, giá trị thương hiệu, chất lượng dịch vụ sau bán
9. Gia đình có trẻ nhỏ, người già nên lựa chọn máy nào:
Gia đình có trẻ nhỏ (trẻ sơ sinh) tốt nhất chọn máy có đủ tính năng lọc khí, bù ẩm và bổ sung ion. Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm máy hút ẩm để sử dụng trong 2 tháng trời nồm, độ ẩm rất cao(vào mùa xuân)
10. Máy lọc không khí có tốn điện không:
Máy lọc không khí có công suất tối đa tầm 80-90W, tuy nhiên ở điều kiện bình thường máy chỉ hoạt động với mức công suất 15-18w (thậm chí nhỏ hơn). Do vậy lượng điện năng tiêu thụ là không quá tốn kém
11. Dùng chung máy lọc không khí cho cả gia đình được không:
Được nếu S nhà là tương đối bé (tầm 45-55m2) và thường xuyên mở cửa giữa các phòng. Ngay cả trường hợp này cũng cần lưu ý, S bù ẩm hiệu quả chỉ bằng 6-70% so với diện tích lọc khí hiệu quả. Tức là nếu máy có công suất lọc cho phòng S tối đa 50m2 thì chỉ bù ẩm hiệu quả cho phòng S 30-35m2
Lọc khí cũng như điều hòa, sử dụng tốt nhất là mỗi phòng 1 máy riêng biệt
12. Cấu tạo của MLKK:
Cơ bản MLKK đều có cầu tạo gồm hệ màng lọc (màng lọc thô, màng hepa, màng than hoạt tính) và hệ bù ẩm (màng bù ẩm, khay nước, bình nước bù ẩm). Các máy có thêm chức năng bổ sung ion âm thì có thêm bộ phát ion âm gắn phía trong
13. Cách vệ sinh cơ bản và khoảng thời gian giữa các lần vệ sinh:
Trong số các bộ phận của MLKK thì đa số đều có thể vệ sinh bằng nước sạch (dùng vòi xịt rửa), duy nhất màng hepa là không được rửa hoặc giặt. Sau khi giặt rửa xong thì phơi khô dưới nắng nhẹ và lắp vào tái sử dụng. Tốt nhất là 1 tháng vệ sinh 1 lần cho MLKK
14. Màng lọc nào cần phải thay:
Phần lớn các MLKK đều có màng lọc thô, màng than, màng bù ẩm tuổi thọ trọn đời máy. Duy nhất màng hepa là cần thay định kỳ. Với màng hepa, mỗi một hãng có 1 quy chuẩn chất lượng kèm theo đó là thời gian khuyến nghị thay thế khác nhau. Tuy nhiên, các khuyến nghị như 3 năm, 5 năm hay 10 năm cũng chỉ là con số tham khảo (vì họ tính theo điều kiện lý tưởng phòng thí nghiệm và độ bền). Tốt nhất là vệ sinh thường xuyên và thấy màng xuống cấp (có thể dùng máy đo hạt bụi để kiểm tra thêm) thì thay thế
15. Dùng nước bù ẩm thế nào:
Tốt nhất nên dùng nước đã được lọc, vì nước máy trực tiếp hoặc giếng khoan có rất nhiều rỉ sắt và sau một thời gian sử dụng sẽ nhiều mảng bám thậm chí phát ra mùi tanh khó chịu
16. Có nên dùng MLKK Nhật bãi:
Bên cạnh máy new, máy Nhật bãi cũng rất được người tiêu dùng lựa chọn. Về cơ bản, có những mẫu sp Nhật 2nd còn chất lượng và đẳng cấp hơn mẫu máy new phân phối chính hãng tại VN. Vấn đề chỉ nằm ở khâu: Bạn chọn mua của ai, ở đâu và thợ đó thế nào mà thôi.
17. Có nên dùng MLKK Nhật bãi đã đổi điện bên trong:
Khá tiện lợi nhưng không nên lạm dụng vì sẽ có những nguy cơ đến từ chính chất lượng của bộ đổi nguồn gắn trong
18. Chi phí sử dụng/1 năm:
Trung bình 1 MLKK tiêu tốn khoảng 50-70k tiền điện/tháng; 1 năm trung bình thay màng hepa 1 lần. Với màng hepa thì tùy hãng mà có các mức giá khác nhau nhưng đều không quá tốn kém
19. Có cần phải đóng kín cửa để cho máy hoạt động:
Điều kiện lý tưởng để máy phát huy trọn vẹn hiệu quả là phòng kín (giống như điều hòa). Tuy nhiên trên thực tế, căn phòng vẫn cần được bổ sung oxy cũng như tạo sự lưu thông từ môi trường bên ngoài.
Xin chân thành cám ơn các bạn đã đọc bài và mong nhận được thêm những góp ý mang tính xây dựng hoặc các câu hỏi từ tất cả ACE. Hy vọng sẽ giúp ACE lựa chọn được chiếc máy hợp lý cho gia đình!
Copyright © 2020 Like & Buy. All right reserved - Designed by: Nanoweb